Thanh tiêu đê

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Chỉ Xin Chúa Hiện Diện


Chỉ Xin Chúa Hiện Diện
፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨

Người Kitô hữu chúng ta đã được nghe nói về Chúa và cũng được Chúa nói với chúng ta rất nhiều. Nhưng khi gian nan thử thách tới, phong ba bão táp nổi lên, chúng ta mới thấy mình hiểu Chúa quá ít, yêu Chúa chẳng được bao nhiêu. Và niềm tin bắt đầu chao đảo theo con sóng cuộc đời.
Thầy đồ viết một chữ "nhất" dạy học trò. Hôm sau, thầy cầm cái khăn ướt tự tay lau bàn, thấy trò đứng bên, bèn dùng cái khăn ướt viết một chữ "nhất" thật lớn trên mặt bàn rồi hỏi đó là chữ gì. Trò không thuộc mặt chữ, đứng thộn ra, thầy nói:
Hôm qua chẳng phải thầy đã dạy con chữ "nhất" hay sao?
Trò tròn xoe mắt, ú ớ:
Sao mới cách có một đêm mà chữ đã lớn đến như thế!
፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨
Hai môn đệ Emmau cũng chẳng khác chi cậu học trò trong câu chuyện trên đây. Tuy đã được Thầy Giêsu dạy dỗ ba năm ròng rã. Người cũng đã tiên báo về sứ mạng thiên sai của mình, rằng Người phải vượt qua đau khổ mới tới vinh quang. Các ông tưởng mình đã hiểu, đã thuộc bài, nhưng thực ra các ông còn rất mù mờ. Chính khi đụng chuyện, khi mà người ta "đóng đinh Người vào thập giá" các ông mới chưng hửng. Hóa ra các ông chẳng hiểu gì! Thế là như rắn mất đầu, các ông chạy tứ tán mỗi người một phương. Đức Giêsu không chịu bỏ cuộc, Người đồng hành với các ông, trên đường Emmau Người đã giải thích Kinh Thánh cho các ông rằng: "Đức Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26).
Chính lúc nghe Lời Chúa, lòng họ đã bừng cháy lên, nhất là khi "Người cấm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ" thì họ mới thực sự nhận ra Người, không chỉ bằng con mắt xác thịt mà bằng cả con mắt đức tin. Vâng, giờ đây họ đã hoàn toàn xác tín rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu là một đêm dài tăm tối mà Người phải vượt qua để bước vào buổi bình minh vinh quang bất diệt. Đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu không phải là một tai nạn bất ngờ nhưng là một chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Người Kitô hữu chúng ta đã được nghe nói về Chúa và cũng được Chúa nói với chúng ta rất nhiều. Nhưng khi gian nan thử thách tới, phong ba bão táp nổi lên, chúng ta mới thấy mình hiểu Chúa quá ít, yêu Chúa chẳng được bao nhiêu. Và niềm tin bắt đầu chao đảo theo con sóng cuộc đời. Như hai môn đệ Emmau, lúc này chúng ta cần phải bám lấy Lời Chúa, như đuốc sáng soi đường, như hải đăng định hướng, giúp chúng ta vượt qua các cơn giông tố.
Cũng đừng quên rằng, chính khi "bẻ bánh" mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người.
፨ Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới giúp người tín hữu hồi phục sau những cơn giông tố.
፨ Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho người tín hữu sau những lần vấp ngã đắng cay.
፨ Chỉ có Bí Tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục Sinh.
Lạy Chúa, "xin ở lại với chúng con", vì chúng con rất cần Chúa trong các cơn giông tố cuộc đời.
Chúng con không xin Chúa những ơn cao cả, nhưng chỉ xin Chúa luôn hiện diện.
Có Chúa, đời chúng con không phải chẳng còn sóng gió, nhưng chắc chắn chúng con sẽ tới bến bình an. Amen.
Sưu Tầm * TThuy NTran

Thứ Hai XVII

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Hai XVII: Gr 13:1-11; Mt 13:31-35

Suy niệm: Nước Trời ở đâu?
Qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã đưa hai dụ ngôn, hạt cải và nắm men, để nói về Nước Trời.
Hạt cải tuy nhỏ nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó mọc lên và trở thành cây lớn để cho chim trời làm tổ trên cây.
Một nắm men được vùi vào ba thúng bột và làm cho tất cả bột dậy men.
Nước Trời chính là sự hiện diện, quyền năng, Lời, niềm vui và hồng ân cứu độ của Thiên Chúa được gieo vào lòng chúng ta như hạt cải được gieo vào lòng đất hay được vùi vào lòng chúng ta như nắm men được vui vào ba thúng bột. Nước Trời đang ở ngay trong tâm hồn chúng ta.
Hạt cải trở thành cây lớn cho chim trời đến làm tổ, và nắm men đã làm cho ba thúng bột dậy men. Vậy, sự hiện diện, quyền năng, Lời, niềm vui và hồng ân cứu độ của Thiên Chúa có đâm chồi nẩy lộc, lớn lên, và sinh hoa kết quả trong đời sống chúng ta không?
Hạt cải trở thành cây lớn cho chim trời đến làm tổ. Vậy, đời sống chúng ta có trở thành nơi nương tựa bóng mát yêu thương cho những tâm hồn đang đau khổ, thất vọng và cô đơn chưa?
Nắm men đã tan biến để làm cho bột dậy men. Vậy thì, đời sống chúng ta có tan biến vào dòng đời thế gian hôm nay đế làm cho thế giới này bớt đau khổ, hận thù và chiến tranh nhưng đầy niềm vui, yêu thương, hoà bình và hy vọng?
Lạy Chúa, xin Nước Trời được lớn lên trong con và biến con thành khí cụ yêu thương, tha thứ, từ tâm, bình an, niềm vui và hy vọng từ đến cho gia đình, cộng đoàn, xã hội và thế giới hôm nay!
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Chúa Nhật XVI TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Chúa Nhật XVI TN-B: Gr 23:1-6; Ep 2:13-18; Mc 6:30-34

Suy Niệm: Thiên Chúa là Mục Tử nhân lành,
Trong Phúc Âm hôm nay, vừa ra khỏi thuyền, “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”
Trong Kinh Thánh, hình ảnh người mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên luôn được nhắc tới trong dòng lịch sử cứu độ nhân loại. Người mục tử thường sống và ngủ chung với đoàn chiên, lo và dẫn dắt đoàn chiên tới đồng cỏ xanh và dòng nước trong, và sẳn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đoàn chiên mình khỏi thú dữ ăn thịt. Những con chiên đi lạc, người mục tử tìm đem về. Người mục tử biết từng con chiên và chiên nghe tiếng của người mục tử.
Thiên Chúa chính là Người Mục Tử nhân lành. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:16-17). Đức Giê-su chính là Mục Tử đã hy sinh mạng sống mình để cứu nhân loại: Đức Giê-su phán: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:11)
“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.��Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
�Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính�vì danh dự của Người.” (Tv 23:1-3)
“Chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.” (Tv 100:3)
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
�Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,�bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” (Is 40:11).
Lời Chúa trong bài đọc I của ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói rằng Thiên Chúa cũng sẽ trừng phạt những mục tử gian ác, mục tử làm cho đoàn chiên sợ hãi và tan tác. Thiên Chúa phán:
“Các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa.”
“Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa.”
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mục tử nhân lành,
xin dẫn con đến đồng cỏ xanh rì của tình yêu và ân sủng Chúa, cho con luôn uống nguồn mạch dòng Máu và Nước chảy ra từ thánh tâm Chúa, bảo vệ con khỏi quyền lực của sự dữ và Sa-tan, và cho con luôn được an nghỉ trong cung lòng của Chúa! Amen
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Thứ Bảy XV

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Bảy XV: Mk 2:1-5; Mt 12:14-21

Suy Niệm: Người Tôi Trung
Tin Mừng Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su đã phải lánh khỏi nơi đó vì khi Đức Giê-su chữa lành một người bại liệt vào ngày Sa-bát, thì nhóm Pha-ri-sêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết.
Đức Giê-su đã dùng lời của ngôn sứ I-sai-a (42:1-4) về người Tôi Trung để cho các môn đệ biết về chính Chúa và con đường mà Chúa phải đi, đó là con đường thập giá, con đường chiến thắng hận thù với yêu thương, con đường dẫn đến công lý bằng lòng xót thương, con đường cứu độ bằng đau khổ, chết và sống lại dẫn đến vinh quang và hạnh phúc đích thật:
“Đây là người Tôi Trung
Ta đã tuyển chọn,
Ta yêu dấu
Ta hài lòng về Người.
Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người.
Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”
Lời nguyện:
Lạy Chúa, Chúa yêu con, mời gọi con và xức dầu trên con, để con trở thành người tôi trung của Chúa giữa dòng đời ngược xuôi hôm nay,
xin cho con luôn loan báo Tin Mừng bằng vui vẻ ôm lấy và sống trọn con đường thập giá mà Chúa đã bước đi, đó chính là con đường chiến thắng hận thù bằng yêu thương và con đường dẫn đến công lý bằng chính lòng nhân từ.
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

BÊN MẸ LONG CON SAY ĐẮM

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Thứ Năm XIV TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Năm XIV TN-B: Hs 11:1,3-4,5,8-9; Mt10: 6-15

Suy Niệm: Trường huấn luyện Giê-su
Tiếp theo bài chia sẻ hôm qua, Phúc Âm hôm nay cho chúng ta biết thêm về Trường Giê-su huấn luyện các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng như thế nào?:
Thứ nhất, "Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” Đầu tiên người môn đệ phải bắt đầu sống đời sống truyền giáo từ trong gia đình mình trước, rồi đến cộng đoàn, đất nước và toàn thế giới.
Thứ hai, “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” Người môn đệ rao giảng điều gì? Có phải rao giảng về đóng góp xây nhà thờ và cơ sở giáo xứ vững bền? Hay là cần có số tiền vốn ổn định cho giáo xứ? Người môn đệ phải rao giảng về “Nước Trời đã gần kề,” đó chính là niềm vui và hồng ân cứu độ mà con người đã lãnh nhận qua sự đau khổ, chết và sống lại trao ban Thánh Thần của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng độ duy nhất của nhân loại.
Thứ ba, “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.” Đây chính là lệnh truyền của Đức Giê-su, nhưng sao chúng ta không thấy những điều này xẩy ra trong các thánh lễ Chúa Nhật cuối tuần hay mỗi ngày tại các giáo xứ và sinh hoạt đạo đức của người Công Giáo?
Thứ tư, “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Người môn đệ đã lãnh nhận sự sống và ơn cứu độ nhưng không thì người môn đệ hãy trao ban và chia sẻ ân sủng và niềm vui Tin Mừng cho anh em mình nhưng không.
Thứ năm, “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.” Người môn đệ không được cậy dựa vào quyền lực đồng tiền, vật chất và thế lực trần gian nào nhưng phải hoàn toàn nương tựa vào sự an bài của Thiên Chúa. Người môn đệ phải sống đơn giản và thanh thoát, không để của cải vật chất và đồng tiền làm cho mình bận tâm và ra nặng nề.
Thứ sáu, "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.” Người môn đệ không tìm chỗ ở thoải mái nhưng phải tìm ở với người có trái tim tốt.
Thứ bảy, “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.” Người môn đệ phải luôn có bình an của Đưc Ki-tô trong tâm hồn và trao ban bình an của Đức Ki-tô đến bất cứ nơi nào mình đến.
Thứ tám,”Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại.” Người môn đệ phải luôn có giá khi rao giảng Tin Mừng, đó là bị từ chối. Người môn đệ không thất vọng khi gặp khó khăn nhưng hãy tiếp tục ra đi hết làng này đến thành khác.
Trường Giê-su đang đời bạn. Hãy học cùng Thầy Giê-su vì Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống.”
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Thứ Tư XIV TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Tư XIV TN-B: Hs 10:1-3,7-8; Mt 10:1-7

Suy Niệm: Trường làng Giê-su
Hôm nay trong Phúc Âm Chúa gọi các môn đệ lại, chọn 12 Tông Đồ và “ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần."

Đức Giê-su đã không chọn những con người có ăn học thức trường lớp và danh thơm tiếng tốt, nhưng Chúa đã chọn những con người chài lưới, bình thường, mộc mạc, không được ăn học, yếu đuối và tội lỗi, nhưng có trái tim vĩ đại, đầy nhiệt huyết và dám chết vì Thầy.
Phê-rô đã chối Thầy 3 lần, Gia-cô-bê và em là Gio-an muốn được địa vị bên tả bên hữu của Thầy, Mát-thêu người thu thuế và được xem là người tội lỗi và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ bán nộp Thầy. Khi Chúa Giê-su chọn các môn đệ, Chúa đã không nhìn bên ngoài, quá khứ tội lỗi hay gia cảnh, nhưng Chúa nhìn vào tấm lòng của các môn đệ. 12 Tông Đồ chỉ có qua 3 năm theo trường làng Giê-su, hết làng này đến làng khác.
Ngày nay các ứng sinh được chọn làm linh mục và tu sĩ có lẽ khác với cách Đức Giê-su đã chọn. Ứng sinh phải có ăn học, có quá khứ tốt và gia cảnh tốt. Để làm linh mục, họ phải học ít nhất là 2 năm triết lý và 4 năm thần học. Họ phải qua hết lớp này đến trường lớp khác....
Đức Giê-su nói, “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”(Ga 14:26). Thật sự, chúng ta chỉ cần qua một trường duy nhất, đó là trường Giê-su. Chúng ta học môn gì: Điều Răn Mới—“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em.” Lễ ra trường được cử hành trên đồi Can-vê và phần thưởng và mũ đội tốt nghiệp là vòng mão gai và thập giá.
Trường Giê-su đang mở cửa chờ bạn! Xin bạn ghi danh! Điều kiện để nhận vào trường là chỉ cần có trái tim vĩ đại, dám chết cho người mình yêu.
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Thứ Ba XIV TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Ba XIV TN-B: Hs 8:4-7, 11-13; Mt 9:32-38

Suy Niệm: Đức Giê-su đang đợi chờ bạn?
Trong Phúc Âm hôm nay, Đức Giê-su giải thoát một người bị quỷ câm nhập. Dân chúng thì kinh ngạc, nhưng nhóm kinh sư thì nói: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ."

Tôi thấy rằng dù ai nghĩ về Đức Giê-su như thế nào, thì Đức Giê-su không bận tâm và để điều đó làm dừng bước chân của Ngài. Đức Giê-su vẫn hăng say tiếp tục “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”
Rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành bệnh nhân là đôi chân, đôi cánh và đôi tay của người Ki-tô hữu. Đây chính là lệnh truyền của Đức Giê-su. Ơn gọi của người Ki-tô hữu là truyền giáo. Thánh Phao-lô nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Đức Ki-tô.” (1Cor. 9:16). Vậy, chúng ta đã ra đi rao giảng Tin Mừng chưa hay chỉ là những người “Công Giáo ghế ngồi,” dậm chân tại chỗ, và cả đời mình chỉ biết giữ đạo nhưng chưa sống đạo và truyền đạo?
Rao giảng Tin Mừng là sống như Đức Ki-tô đã sống. Chúng ta phải luôn biết chạnh lòng thương xót đến những kẻ khốn cùng. “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”
Sau cùng, khi bước ra đi loan báo Tin Mừng, chúng ta phải được xức dầu và được sai đi bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."
Việt Nam là đồng lúa chín vàng cho cánh đồng truyền giáo. Dân số Việt Nam bây giờ là khoảng 100 triệu dân, nhưng người Công Giáo khoảng 5.7 triệu. Vậy, 94 triệu dân Việt đang đợi nghe Tin Mừng Nước Trời. Trên thế giới bây giờ có 7.2 tỷ người, nhưng chỉ có 1.5 tỷ là người Ki-tô hữu (Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo). Còn lại 5.7 tỷ người đang đợi chờ chúng ta đem Tin Mừng Đức Giê-su đến với họ.
Đức Giê-su truyền lệnh: “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1:8)
Đức Giê-su đã và đang mời gọi và sai chúng ta ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Vậy, Chúa Giê-su phải đời chờ chúng ta đến bao giờ?
Lm Phêrô Maria Bùi Công Minh

THẮP ĐÈN CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VN




 - Hỡi con dân nước Việt, sơn hà nguy biến, hiểm họa diệt vong quá rõ và chúng ta cần hành động cứu nguy. Đây là trách nhiệm của mọi con dân nước Việt.
Trong video, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp khẳng định "Nếu luật Đặc khu được áp dụng, Đất nước chúng ta một lần nữa lại có nguy cơ và hiểm họa rất gần cho nạn diệt chủng, cho sự mất chủ quyền của dân tộc."
Ngài yêu cầu và khẩn nguyện "Ước mong rằng, các thành phần của dân tộc dù ở trong cũng như ngoài nước hãy cứu nguy Đất nước. Tất cả chúng ta cần hiệp nhất với nhau, cần nối kết với nhau trong hoàn cảnh Đất nước đang lâm nguy như thế này, để một lần nữa đưa đất nước ra khỏi tình trạng diệt vong này."
Còn Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh bộc bạch "Nhìn dân chúng đang xôn xao, hoảng loạn có ai đan tâm đứng ngoài nhìn anh em ruột thịt mình mà vô cảm. Bản thân tôi là chi thể của Đồng bào, làm sao tôi có thể vô cảm?! "

Lễ Giỗ 09 Năm Bà Cố Maria


Lễ Giỗ 09 Năm Bà Cố Maria – Thân Mẫu Cha Chính Xứ Giuse và Phê-rô

Hôm nay thứ hai ngày 09 tháng 07 năm 2018. Lễ giỗ Bà Cố Maria thân mẫu hai Cha Giuse và Phêrô. Hiệp cùng với Cha Tổng Đại Diện chủ tế và Quý Cha đồng tế, cộng đoàn giáo Giuse An Bình, Quý tu sĩ, Quý Chức HĐMV, Quý Ân Nhân, cùng với quý bà con thân tộc nội ngoại của gia đình Bà Cố Maria, họp nhau nơi thánh đường này để cùng dâng lên Chúa lời tạ ơn và cầu nguyện cho Bà Cố Maria, nhân ngày giỗ 09 năm, đồng thời cùng kính nhớ và cầu nguyện cho Ông Cố Gioan Baottixita. Dưới ánh sáng Tin Mừng qua những cử hành Phụng Vụ thường niên, Chúng ta tin rằng Đức Ki-tô là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã nhập Thể Làm Người, đã chết và đã sống lại vinh quang, mở lối cho chúng ta vào chốn Vinh Phúc muôn đời. Với mỗi người chúng ta,  một khi được chết trong ân nghĩa của Chúa, chúng ta cũng sẽ được Ngài cho sống lại trong ngày sau hết.”

Sau thánh lễ, cha Giuse Phan Chí Minh đã cảm ơn Cha Tổng và Quý Cha cùng toàn thể Cộng Đoàn đã hiện diện dâng lễ cầu nguyện cho Ông Bà Cố Maria, và Ô Cố Gioan Baottixita.






Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

Thứ Bảy XIII TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Bảy XIII TN-B: Am 9:11-15; Mt 9:14-17

Suy Niệm:
Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su không phải là Chúa không muốn các môn đệ ăn chay. Chúa cũng đã nói có những con quỷ muốn trừ được chúng, chúng ta phải cần ăn chay và cầu nguyện (Mt 17:21). Chúa Giê-su đã dạy: l“Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:16-18)
Người Do-thái ăn chay trong ngày Lễ Xá Tội, các môn đệ Gio-an Tẩy Gioan và người Pha-ri-sêu cũng ăn chay; Họ ăn chay trong bộ mặt rầu rĩ và thiểu não để mọi người thấy họ ăn chay. Họ ăn chay để chuẩn bị đón Đấng cứu độ, nhưng Đấng cứu độ đã đến và đang ở giữa họ, Nước Trời đang ở giữa họ, đó chính là Đức Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh Nước Trời như là một tiệc cưới. Chúa Giê-su chính là chàng rể. Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”
Chúa Giê-su đã đến để cho nhân loại một cái nhìn mới về lòng thương xót của Thiên Chúa, về Nước Trời đã gần kề, về mầu nhiệm cứu độ: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."( Mt 9:13)
Vì thế, Đức Giê-su đã cho chúng ta hai hình ảnh: vải mới và áo cũ, và rượu mới và bầu da cũ: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai”(c 16-17).
Chúa Giê-su muốn mỗi người chúng ta phải cởi bỏ con người cũ, con người tội lỗi, để mặc chiếc áo mới, đó là lề luật yêu thương và tha thứ. Thánh Phao-lô nói: “Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gal 5:24-26). Hay nói một cách khác như Giê-su đã dạy: rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Là Ki-tô Hữu, chúng ta hãy mang lấy một tinh thần mới và một trái tim mới, đó là tinh thần và trái tim của Đức Giê-su Ki-tô.
Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Thứ Sáu XIII TN-B

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Sáu XIII TN-B: Am 8:4-6,9-12; Mt 9:9-13

Suy Niệm: Ánh Mắt Giê-su
Mát-thêu là một người thu thuế tại trạm thu thuế. Vào thời Chúa Giê-su, người thu thuế được coi là người tội lỗi và người tay sai cho người Roma vì người Roma đang đô hộ dân tộc Do-thái. Vì thế, Mát-thêu thường bị khinh bỉ và chống đối bởi xã hội và tôn giáo Do-thái. Chính vì vậy, Mát-thêu đã sống trong tủi nhục và đau khổ; Không một ai yêu thương và đón tiếp ông. Trong lúc cô đơn như vậy, Mát-thêu đã tìm thấy được ánh mắt yêu thương, cảm thông, tha thứ và thương xót, đó là ánh mắt Giê-su.
Đức Giê-su đã đi ngang qua trạm thu thuế và đã nhìn Mát-thêu đang ngồi tại trạm thu thuế với ánh mắt của lòng xót thương. Chúa Giê-su bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Lập tức Mát-thêu đã đứng dậy đi theo Đức Giê-su. Chúa Giê-su đã không nhìn bên ngoài người ta nghĩ gì về Mát-thêu, nhưng Chúa đã nhìn con tim, tâm hồn của Mát-thêu. Chúa đã xót thương Mát-thêu và đã chọn ông làm môn đệ.
“Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Lời nguyện:
Lạy Chúa, Chúa không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa đã thương xót con, kêu gọi con và đã chọn con làm môn đệ Chúa dù con đây yếu đuối và bất toàn.
Lạy Chúa, ánh mắt của Chúa nhìn Mát-thêu đã làm cho Mát-thêu lập tức đứng dậy, bỏ lại tất cả: tiền bạc, địa vị, danh vọng, sự nghiệp, gia đình và bạn bè để theo đi Chúa. Xin Chúa cũng hãy nhìn con với ánh mắt thương xót để con có sức mạnh đứng dậy, bỏ lại tất cả để bước đi theo Chúa.
Lm. Phê-rô Maria Bùi Công Minh

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

CUNG NGHINH THÁNH GIUSE

Thứ tư đầu tháng 7.
Vào luc 17g00 ngày 04/07/2018 Gx ĐT Giuse An Bình tổ chức cung Nghinh Thánh Cả Giuse, nhân dịp lễ kỷ niệm Hấp Hôn cha các cặp đôi hôn phối từ 15 năm đến 25 năm. Có 36 đôi tham dự.
Trong Thánh lễ kỷ niệm này có Cha Tổn Đại Diện Huỳnh Phước Lâm Gp Long Xuyên làm Chủ tế cùng Quí Cha đồng tế, cùng đông đảo quý khách nhà thờ Chính Tòa Long Xuyên, cùng quý chức, quý khách Gx lân cận.
Sau bài Giảng Cha Tổng Đại Diện làm nghi thức Hấp Hôn lại cho các cặp đôi qua lời nguyện đẫ tuyên hứa.
Sau thánh lễ kiệu cung nghinh Thánh Giuse. Cuối cùng bữa tiệc Liên hoan.






















Thứ Năm XIII TN-B

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Năm XIII TN-B: Am 7:10-17; Mt 9:1-8

Suy niệm: Bạn đang là nhân vật nào?
Qua Tin Mừng của Matthêu hôm nay, chúng ta cần nhìn vào những nhân vật trong câu chuyện Đức Giê-su chữa người bị bại liệt để rút ra những bài học cho chính mình.

1. Người bại liệt: trong Phúc Âm Matthêu, người bại liệt này không có tên và không rõ nam hay nữ. Người bại liệt này cũng chính chúng ta. Có thể chúng ta không bại liệt về phần xác nhưng bại liệt tâm linh, tâm lý, cảm xúc hay liên hệ. Chính tội lỗi, hận thù, cay đắng, chia rẻ, ganh tỵ, tham lam và kêu ngạo làm cho chúng ta bị bại liệt. Người bại liệt này đã có lòng tin và lòng ao ước được gặp Chúa Giê-su để được chữa lành và khiêm nhường nhận lãnh sự tha thứ tội lỗi của Thiên Chúa. Với đức tin mạnh mẽ, người bại liệt đã tin vào lời truyền của Đức Giê-su, đứng dậy và đi về nhà.
2. Các người khiêng kẻ bại liệt: họ là những người có trái tim yêu người và tin tưởng vào sự chữa lành của Đức Giê-su. Nếu họ đã không giúp khiêng vác người liệt đến với Đức Giê-su, thì làm sao người bại liệt này gặp được Giê-su để được chữa lành? Xung quanh chúng ta cũng có bao nhiêu người bệnh tật và nghiện ngập đang cần chúng ta giúp đỡ đem họ đến với Đức Giê-su, Đấng chữa lành và giải thoát.
3. Đức Giê-su, Đấng chữa lành: Chúa nhìn thấy được lòng tin của người bại liệt và các người khiêng. Chúa đã chạnh lòng và nói với người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!" Chúa Giê-su đã không nói này bạn, này anh hay này chị, nhưng Chúa nói “này con.” Chúa Giê-su nói trong vai trò và tình yêu của Thiên Chúa với con người trong mối tương quan Cha con: “này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi.” “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!"
4. Các kinh sư: thay vì quan tâm, chạnh lòng thương với người bại liệt và cùng tôn vinh Thiên Chúa, thì họ lại nghĩ xấu trong bụng. Họ lại vạch lá tìm sâu để bắt lỗi và kết án Chúa Giê-su. “Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà!"
5. Sau cùng, dân chúng: họ kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.”
Vậy, chúng ta đang là nhân vật nào?
người bại liệt đứng dậy từ vũng lầy tội lỗi và yếu đuối? người khiêng kẻ bại liệt biết đỡ nâng và đưa anh em mình đến gặp Đức Giê-su? kinh sư luôn nghĩ xấu trong bụng? dân chúng biết kinh ngạc và ca ngợi việc làm của Thiên Chúa? Hay là Đức Giê-su biết chạnh lòng, tha thứ cho lỗi lầm và cầu nguyện chữa lành cho anh em mình?

Lạy Chúa Giê-su, xin dủ lòng thương xót con!
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

GIÁO XỨ GIUSE AN BÌNH KÍNH BÁO (V/v kính viếng nhà hiếu trong giáo xứ An Bình) Trong niềm tin và hy vọng vào Đức Giê su Ki tô Phục Sinh. Ban...