Thanh tiêu đê

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Thứ Bảy XII TN-B

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Bảy XII TN-B: Ac 2:2,10-14,18-19; Mt 8:5-17

Suy Niệm: Tấm gương viên đội trưởng
Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su hết sức ngạc nhiên về lòng tin của một viên đại đội trưởng đến gặp Chúa xin Người chữa lành cho một người đầy tớ. Chúng ta học được gì nơi viên đội:
Thứ nhất, ông là một người có trái tim biết cảm thông và thương xót đến nỗi đau của người khác: "Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm."
Thứ hai, ông là một người can đảm vượt qua sự ngăn cách của thành kiến của tôn giáo và xã hội. Ông là một người ngoại đạo; hơn thế nữa, ông lại là người lính Roma đang đô hộ người Do-thái. Vì thế, đối với người Do-thái, ông được xem là thành phần ô uế và kẻ thù.
Thứ ba, ông là một người khiêm nhường dám bước ra khỏi địa vị của mình để đến xin Chúa Giê-su chữa lành cho người đầy tớ và nhận mình là con người bất xứng để Chúa ghé vào nhà.
Chúa Giê-su nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó." Viên đại đội trưởng đáp: "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi!", là nó đi, bảo người kia: "Đến!", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm."
Thứ tư, ông là người có đức tin mạnh mẽ. Ông nói với Chúa là Chúa chỉ phán một lời thì đứa đầy tớ được khỏi bệnh. Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.”
Cuối cùng, ông là một người công chính vì ông đã bước đi trở lại nhà trong niềm tin như Abraham và thánh Giu-se đã bước đi trong niềm tin. Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: "Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!" Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
Lời nguyện:
Lạy Chúa, như viên đại đội trưởng,
xin cho con biết chạnh lòng thương đến
anh em con để con bước đi tìm gặp Chúa!
Xin cho con ơn can đảm vượt qua những ngăn cản để tìm gặp chính Chúa!
Xin cho con biết khiêm nhường nhận ra con yếu đuối, tội lỗi và bất xứng để con hoàn toàn nương tựa vào chính Chúa là sức mạnh và sự giải thoát của con!
Xin cho con luôn bước đi trong niềm tin vào Chúa dù con không nhìn thấy rỏ tương lai con sẽ đi về đâu và như thế nào.
Lạy Chúa, Chúa là tất cả của đời con. Con thờ lạy, ca ngợi, cảm tạ, chúc từng và ngợi khen Chúa. Amen
Lm. Phê-rô Maria Bùi Công Minh

Được Mẹ Cứu Giúp Nhờ Đọc 3 Kinh Kính Mừng


Được Mẹ Cứu Giúp Nhờ Đọc 3 Kinh Kính Mừng



Đây là câu chuyện mà Thánh Alphonso viết trong tác phẩm Vinh Quang Đức Mẹ: Tại thành phố Napoli nước Ý, vào hồi cuối thế kỷ 18, có một gia đình đại phú gia có nuôi được một con khỉ rất có tài. Nó có thể đi hai chân như người. Nó có thể bưng đồ, bưng thực phẩm và hầu bàn cho khách ăn uống như một đứa đầy tớ của chủ nhà. Ông này đã mời biết bao người khách tới ăn tiệc để khoe con khỉ tài tình.
Linh Mục chánh sở trong khu phố nghe chuyện con khỉ lạ, ngỏ ý muốn ghé thăm để coi. Nhưng ông chủ nhà không ưa các linh mục, đúng hơn là ông ghét nhà thờ, ghét các linh mục , nên ông không muốn các linh mục đến nhà mình.
Ông cha sở tìm ra được một người bạn thân của chủ nhà có con khỉ. Linh mục nhờ ông bạn này tìm cách làm sao để linh mục có thể tới được nhà để coi con khỉ. Và linh mục đã thành công, đã được mời dự một bữa tiệc tại nhà ông đại phú gia.
Chuyện lạ đã xảy ra là trong khi mọi người ăn tiệc thì không thấy con khỉ đâu cả. Chính chủ nhà cũng ngạc nhiên, không hiểu vì lý do gì, xưa nay chưa bao giờ thấy như thế.Mọi người đổ xô đi tìm con khỉ. Sau cùng thì chủ nhà đã dọi đèn và tìm thấy con khỉ đang núp dưới gầm giường ở phòng bên cạnh phòng ăn. Ông gọi nó ra, nhưng nó không chịu ra. Ông dụ nó, kêu la nó. Nó vẫn không chịu ra. Ông cha sở đâm ra nghi ngờ.
Ông tới, cúi đầu xuống gầm giường, làm dấu Thánh Giá và nói: “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, ta truyền cho ngươi phải ra khỏi gầm giường”.Con khỉ run rẩy chui ra. Linh mục nói tiếp: “Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, ta truyền cho ngươi phải nói, ngươi là ai”.
Lập tức, con khỉ hiện hình ra thành một thằng quỷ và nó lớn tiếng tuyên bố rằng: “Tao là thằng quỷ được lệnh của Lucifer mai phục trong nhà này, chờ ngày giờ thằng chủ nhà chết để lôi nó xuống hoà ngục, Nhưng tối nào nó cũng đọc 3 Kinh Kính Mừng nên tao chưa thể nào bắt nó được”.Nói xong, thằng quỷ hét lên một tiếng rối biến mất. Mọi người hết hồn khi chứng kiến chuyện vừa xảy ra.
Riêng ông chủ nhà thì chạy tới quỳ sụp xuống dưới chân Linh Mục, vừa khóc vừa nói rằng: “Xin cha tha lỗi cho con. Mẹ con, trên giường lúc hấp hối, đã bắt con thề hứa với mẹ rằng mỗi tối trước khi đi ngủ, phải đọc 3 Kinh Kính Mừng. Con đã thề hứa với mẹ như thế và rồi từ đó, không tối nào con không đọc 3 Kinh Kính Mừng, và nhờ đó con còn sống tới ngày nay để chứng kiến câu chuyện kỳ lạ này.”
Kinh Kính Mừng đọc như sau: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Thứ Năm XII TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Năm XII TN-B: 2V 24:8-17; Mt 7:21-29

Suy Niệm:
Trong Phúc Âm hôm nay Chúa nói rằng: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”
Cuộc đời chúng ta là một trận chiến với
ba thù, đó là với chính mình-thế gian-quyền lực ma quỷ. Một hình ảnh khác về cuộc đời chúng ta thì giống như một cuộc chạy đua. Thánh Phao-lô nói: “phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin.” (2Tm 4:7)
Đời người không phải là một ngày nhưng
là những chuỗi ngày dài. Chúng ta phải chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng; chúng ta phải chạy cho tới đích. Đúng chỉ có những người của Thiên Chúa thì mới làm được những điềm thiêng dấu lạ. Họ nhân danh Thiên Chúa để trừ quỷ và làm phép lạ. Nhưng rồi với thời gian, họ đã thiếu tỉnh thức, thiếu đời sống cầu nguyện, trở nên kêu ngạo, thiếu yêu thương và từ từ xa Chúa. Vì thế, Chúa Giê-su nói: “Ta không biết các ngươi là ai.”
Thánh Phao-lô nói rằng tất cả các đặc sủng chúng ta lãnh đã nhận sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta không biết yêu anh em mình. “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13:4-7).
Thánh ý của Thiên Chúa là chúng ta ăn năn sám hối từ bỏ con đường tội lỗi, đón nhận và tin vào Đức Giê-su Ki-tô và đem Lời Chúa ra thực hành. Đức Giê-su Ki-tô và Lời của Ngài được thực hành trong đời sống chúng ta chính là Tảng Đá cho nền móng xây ngôi nhà tâm hồn của chúng ta: “Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.”
Lm Phêrô Maria Bùi Công Minh

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Thứ Tư XII TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Tư XII TN-B: 2V 22:8-13, 23:1-3; Mt 7:15-20

Suy Niệm: Nhìn quả biết cây
Để giúp mọi người nhận định và đánh giá một cách chính xác về đạo đức một con người, tục ngữ và thơ ca dân gian ghi chép như sau:
“Thức lâu mới biết đêm dài,
ở lâu mới biết con người có nhân.”
“Miệng nam mô mà bụng bồ dao găm.”
“Cháy nhà ra mặt chuột,” “rắn độc cuộn khúc tưởng ra rồng vàng”.
“Đường dài hay sức ngựa, nước loạn biết tôi ngay”, “Gặp cơn đại loạn mới hay trung thần.”
“Xem trong bếp, biết nết đàn bà”.
“Cái Cò, cái Vạc, cái Nông,
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi Cò?
Không không tôi đứng trên bờ,
Mẹ con cái Vạc đổ ngờ cho tôi.
Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, hay
“Có gió rung mới biết tùng bách cứng,
có ngọn lửa hừng mới biết thức vàng cao”.
“Lòng sông lòng bể dễ dò,
ai từng bẻ thước mà đo lòng người.
"Sông sâu, sào ngắn khôn dò,
người khôn ít nói khó đo tấc lòng.”
“Sông sâu còn có kẻ dò,
lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
Sông sâu còn thể bắc cầu,
lòng người nham hiểm biết đâu mà dò.”
“Cây xanh thì lá cũng xanh,
cha mẹ hiền lành để đức cho con.”
Hôm nay, ChúanGiê-su cũng dạy cho chúng ta về cách nhận xét, thẩm định và đánh giá một con người như thế nào:
Ngoài chiên trong sói:
"Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.”
Nhìn quả biết cây:
“Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
Cây nào sinh trái ấy:
“Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.”
Lời nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài ngự đến biến đổi và thánh hoá con!
Xin Ngài cho con luôn sống trung thật, khiêm nhường và đầy yêu thương!
Xin cho đời con luôn sinh hoa quả của yêu thương, tha thứ, bình an, hoan lạc, khiêm nhường, nhẫn nại, trung tín, trung thật, cao thượng, bao dung và tiết độ! Con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Ki-tô. Amen
Lm Phê-rô Maria Bùi Công Minh

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Công an Trung Quốc bắt giữ 9 nữ tu, cướp bóc tài sản của Giáo Hội

Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại Genève, Thụy Sĩ

Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại Genève, Thụy Sĩ

Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại Genève, Thụy Sĩ
22/06/2018 13:53
GENÈVE. Trong thánh lễ duy nhất cử hành tại Genève, Thụy Sĩ chiều ngày 21-6-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu sống tình con thảo với Chúa Cha, có đời sống đơn giản và thực hành tha thứ.
 Thánh lễ diễn ra từ lúc 5 giờ rưỡi chiều tại khu triển lãm Palexpo cạnh phi trường quốc tế Genève. Đây là một trung tâm rộng bằng 6 sân bóng đá và có thể chứa được 70 ngàn người, nhưng vì lý do an ninh, chỉ có hơn 41 ngàn tín hữu được cấp vé để tham dự thánh lễ với ĐTC.
 Thánh lễ này được coi là dành cho Cộng đồng Giáo Hội Công Giáo toàn quốc, nên đồng tế với ĐTC có tất cả các vị chủ chăn của 6 giáo phận và 2 Đan viện biệt hạt, cùng với đông đảo các linh mục. Trong số các tín hữu hiện diện, đông nhất là từ vùng nói tiếng Pháp với hơn 77%, nhưng cũng có 12% đến từ vùng nói tiếng Đức và từ các vùng biên giới Pháp.
 Bài giảng của ĐTC
 Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về kinh Lạy Cha, đặc biệt dựa trên 3 từ: Lạy Cha, bánh và tha thứ. Ngài nói:
 Từ ”Cha”, trong kinh Lạy Cha như công thức của cuộc sống,  có biểu lộ căn tính của chúng ta như những người con được yêu thương. Đó cũng là công thức nói lên những gì chúng ta cần làm, đó là yêu mến Thiên Chúa là Cha chúng ta và yêu thương tha nhân như những anh chị em của chúng ta. Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của chúng ta, của Giáo Hội, một kinh nguyện không có cái tôi, của tôi.. Kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta rằng khi có Cha, thì không ai bị loại trừ, sợ hãi và bấp bênh không lướt thắng được. Chúng ta nhớ lại điều thiện vì trong tâm hồn của Cha, chúng ta không xuất hiện tiềm thể, nhưng là những người con được yêu thương. ĐTC nói:
 ”Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta khẳng định rằng mỗi người thuộc về chúng ta, và đứng trước bao nhiêu sự gian ác xúc phạm đến tôn nhan của Chúa Cha, chúng ta, những người con của Chúa được kêu gọi phản ứng như những người anh em, như những người tốt lành bảo quản gia đình chúng ta, và cố gắng để không có thái độ dửng dưng đối với người anh em, mỗi người anh em, từ hài nhi chưa sinh ra, cũng như những người già mà ngừơi ta không nhắc đến nữa, từ người quen biết mà chúng ta không tha thứ được, cũng như người nghèo bị gạt bỏ. Người Cha ấy yêu cầu và truyền cho chúng ta hãy yêu thương nhau với tâm hồn của con cái, những người con là anh chị em với nhau.
 Về từ ”cơm bánh”, ĐTC đặc biệt chống lại những kẻ đầu cơ lương thực, lương thực căn bản cho cuộc sống thường nhật của các dân tộc phải trở thành điều mà mọi người phải có được. Và ngài nói thêm rằng ”Cầu xin lương thực hằng ngày cũng có nghĩa là thưa: ”Lạy Cha, xin giúp con có được một cuộc sống đơn giản hơn”. Đời sống đã trở nên quá phức tạp. Tôi muốn nói rằng ngày nay đối với nhiều người, cuộc sống như thể bị ma túy: người ta chạy từ sáng đến chiều, giữa bao nhiêu tiếng gọi và sứ điệp, không có khả năng dừng lại trước những khuôn mặt, đang chìm đắm trong một tình trạng phức tạp làm cho họ trở nên mong manh và trong vận tốc làm cho ta thêm lo lắng. Cần chọn lựa một cuộc sống đơn giản, điều độ, được giải thoát khỏi những gánh nặng thừa thãi. Đó là một sự chọn lựa đi ngược dòng, như thánh Luigi Gonzga đã làm trong thời đại của Người, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Chọn lựa từ bỏ bao nhiêu điều làm đầy cuộc sống nhưng lại làm cho tâm hồn trống rỗng. Chúng ta hãy chọn sự đơn giản của bạn để tìm lại niềm can đảm của thinh lặng và kinh nguyện, là men của một cuộc sống thực sự là con người.
 Từ ”Bánh hằng ngày”: chúng ta đừng quên rằng đó chính là Chúa Giêsu Không có Chúa chúng ta không thể làm được gì (Xc Ga 15,5). Chính Chúa là lương thực căn bản để sống tốt lành. Nhưng nhiều khi chúng ta biến Chúa Giêsu thành món phụ thuộc. Nếu Chúa không phải là lương thực chính yếu của đời sống chúng ta, là trung tâm ngày của chúng ta, là hơi thở hằng ngày của chúng ta, thì tất cả chỉ là hư vô, uổng công. Khi xin bánh, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha và tự nhủ với chính mình mỗi ngày rằng: cuộc sống đơn giản, chăm sóc những gì quanh chúng ta, và Chúa Giêsu là tất cả và trên hết mọi sự trong cuộc sống chúng ta.
 Sau cùng, ĐTC cổ võ thực hành tha thứ. Thật là khó tha thứ, vì chúng ta luôn mang trong mình một chút cay đắng, và khi chúng ta bị những ngừơi chúng ta đã tha thứ khiêu khích, thì oán hận trở lại và tăng cường độ. Nhưng Chúa đòi chúng ta phải tha thứ.. Tha thứ là điều bó buộc theo kinh Lạy Cha. Chúa đã giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi mọi tội lỗi, tha thứ tất cả, nhưng có một điều ngài yêu cầu; đó là chúng ta không được mệt mỏi trong việc tha thứ, Chúa muốn mỗi người chúng ta phải ân xá toàn bộ các tội của người khác. Cần thực hiện một cuộc chụp quang tuyến thật rõ tâm hồn chúng ta để xem bên trong chúng ta có những khối cục, các chướng ngại cản trở sự tha thứ hay không, những sỏi đá phải lấy đi.
 Sự tha thứ có sức đổi mới, làm phép lạ. Phêrô đã cảm nghiệm ơn tha thứ của Chúa Giêsu và trở thành mục tử đoàn chiên; Saulo đã trở thành Phaolô sau khi được Stephano tha thứ. Mỗi người chúng ta tái sinh thành thụ tạo mới, khi được Chúa Cha tha thứ, chúng ta yêu thương anh em mình. Chỉ khi ấy chúng ta mới đưa sự mới mẻ thực sự vào trong thế giới, vì không có mới mẻ nào lớn hơn sự tha thứ, nó biến ác thành thiện.
 Cuối thánh lễ Đức Cha Charles Morerod, O.P, GM giáo phận sở tại, Chủ tịch HĐGM Thụy Sĩ, đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và ngài cũng nhiệt liệt cám ơn Giáo Hội địa phương, các tín hữu đã cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ, cũng như toàn thể Giáo Hội và quốc dân Thụy Sĩ. ĐTC đã tặng cho giáo phận Fribourg chén lễ quí giá.
 Rồi ngài vào nhà thánh chào thăm các vị thuộc Hội đồng GM Thụy sĩ cũng như các cộng sự viên tại tòa Sứ Thần Tòa thánh ở thủ đô Berne cũng như tại Sứ Bộ Tòa Thánh cạnh Liên hợp quốc ở Genève.
 Sau đó ngài tới Phi trường chỉ cách đó 2 cây số. Tại đây đã diễn ra nghi thức tiễn biệt đơn sơ với sự hiện diện của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.
 Lúc 9 giờ 14 phút tối cùng ngày, ĐTC đã về đến Roma bằng an kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm dài 14 tiếng đồng hồ tại Genève, Thụy Sĩ. Từ phi trường Ciampino cách Roma 15 cây số, trên đường về Vatican, ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả như trước khi đi, nhưng lần này để cảm tạ Mẹ Thiên Chúa.
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Thứ Bảy XI T

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Bảy XI TN-B: 2 Sb 24:17-25; Mt. 6:24-34

Suy Niệm: Nước Thiên Chúa và đức công chính
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy." (c33-34)

Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.”
Nước Thiên Chúa và đức công chính đây chính là Đức Giê-su Ki-tô, Người là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể để cứu độ chúng ta. Thánh Phao-lô nói: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5:19)
Chúa Giê-su nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt. 7:7).
Vậy, chúng ta không xin cho giàu sang, có nhiều tiền của, nhưng chúng ta hãy xin cho được Chúa Giê-su làm Chủ của đời mình. Chúa Giê-su phán: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.”
Chúng ta không tìm kiếm và “lo cho mạng sống lấy gì mà ăn và thân xác lấy gì mà mặc,” nhưng chúng ta phải tìm kiếm và lo cho mạng sống mình ăn và uống thức ăn tâm linh, đó chính là Lời và Thánh Thể Chúa, và mặc lấy tinh thần và đức công chính của Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô nói: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cor 5:21)
Chúa Giê-su nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt. 7:9-11)
Vậy, chúng ta hãy phó thác mạng sống và đường đời mình cho Cha trên trời. Chúa Giê-su nói rằng chúng ta còn quý giá hơn mọi loài chim và hơn tất cả các loài hoa. “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.” (c31-32)
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Thứ Sáu XI TN-B

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Sáu XI TN-B: 2V 11:1-4,9-18,20; Mt 6:19-23

Suy Niệm: Đôi Mắt và Lòng Người
Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người chúng ta đã và đang quá lo làm ăn và đầu tư tích trữ cho mình tiền bạc của cải vật chất đến nỗi không còn thời gian cho Chúa, cho vợ chồng, cho con cái và bàn bè. Dù chúng ta có nhiều của cải vật giàu sang phú quý đến đâu đi nữa, thì khi chết chúng ta cũng không đem theo cho mình được gì cả. Nếu hôm nay chúng ta chết, chúng ta sẽ đem theo cho mình được của cải gì?
Chúa Giê-su hôm nay nhắc nhở chúng ta: "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (c19-21). Vậy, chúng đang làm gì để tích trữ cho mình kho tàng trên trời
Chúa Giê-su hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta phải xem lại ngọn đèn thân thể của chúng ta, đó chính là con mắt: “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!" (c22-23).
Chúng ta thường nói rằng con mắt là cửa sổ của tâm hồn. Bà Eva cũng bị cám dỗ bởi con mắt: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt...” (St. 3:6). Vua Đa-vịt đã phạm tội cũng vì chiều theo con mắt: “Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời...”(2 Sm 11:2).
Một câu chuyện kể rằng có một thanh niên chết và trên đường bay về thiên đàng, anh ta thấy ở dưới hỏa ngục rất là đông đảo nhộn nhịp vui vẻ. Anh thấy người ta dạ vũ, ca hát, tiệc tùng, đánh chén uống bia uống rượu, chơi bài, hút thuốc, đánh cờ...vv. Anh nghĩ thầm rằng chắc trên thiên đàng sẽ có nhiều điều vui hơn, nhưng khi vào thiên đàng anh không thấy gì là vui vẻ vì anh chỉ thấy các thiên thần cầu nguyện và ca hát thôi. Anh ta xin thánh Phêrô cho anh xuống hỏa ngục vì dưới đó vui hơn. Thánh Phê-rô nói tuỳ con. Thế là anh ta vui vẻ bay xuống hỏa ngục, nhưng chỉ trong vài phút anh ta run rẩy sợ hải trở lên thiên đàng lại. Anh gõ cửa xin thánh Phê-rô cho anh vào thiên đàng lại. Thánh Phê-rô hỏi anh ta: sao anh đổi ý mau vậy? Anh ta hỏi thánh Phê-rô: sao trên đường bay lên thiên đàng con thấy ở dưới hỏa ngục vui vẻ lắm? Con thấy người ta dạ vũ, ca hát, tiệc tùng, đánh chén uống bia uống rượu, chơi bài...vv, nhưng khi con xuống đó, con không thấy gì hết, chỉ có lửa và kêu la? Thánh Phê-rô cười và nói: con không biết hả, ma quỷ chỉ quảng cáo thôi....
Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau! Xin Thiên Chúa gìn giữ đôi mắt và lòng chúng ta khỏi bị những quảng cáo và cám dỗ của ma quỷ và thế gian để lòng chúng ta luôn biết hướng về tích trữ kho tàng trên trời và đôi mắt chúng ta luôn sáng ngời trong niềm vui, bình an, yêu thương, ân sủng của Thiên Chúa!
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

PHÉP LẠ NHÀ THỜ CHÂU SƠN

Thứ Năm XI TN-B

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Năm XI TN-B: Hc 48:1-14; Mt 6:7-15

Suy Niệm: Kinh Lạy Cha
Chúng ta được tạo dựng trong sự liên hệ với Thiên Chúa. Chúng ta không thể sống ngoài sự kết hợp với Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Vì thế, hôm nay Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta về mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, đó là mối liên hệ Phụ-Tử, Cha-con.
Vậy, thứ nhất, khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Giê-su muốn mỗi người chúng ta đừng nói lải nhải, lúc nào cũng ích kỷ nghĩ về mình, về những nhu cầu và khó khăn của mình, vì Cha trên trời biết tất cả nhu cầu và khó khăn của mình. Chúa không muốn mỗi người chúng ta tới với Chúa như một người ăn xin nhưng đến với Chúa như một người con.
Thứ hai, khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Giê-su muốn chúng ta phải luôn hướng về Cha, nói chuyện với Cha, tâm sự với Cha, thăm hỏi Cha, chúc tụng và ca ngợi Danh Cha:
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời.” Chúa Giê-su không dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha của con” mà “Lạy Cha của chúng con ở trên trời” - có nghĩa là chúng ta có chung một người Cha. Nếu chúng ta có chung một Cha, chúng ta là anh em một nhà, một gia đình và có chung một dòng máu. Vậy, anh em một nhà thì chúng ta phải yêu thương nhau và tha thứ cho nhau.
Thứ ba, khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Giê-su muốn chúng ta là con thì phải biết làm cho:
“Danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Thứ tư, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta xin “Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Chúng ta có ai đói hôm nay không? Chúa dạy chúng ta xin “lương thực hôm nay,” nhưng chúng ta toàn xin cho lương thực ngày mai, tháng tới, năm tới và 10 năm tới.
Thứ năm, “xin tha tội cho chúng con,
như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Trên thập giá Chúa đã thứ cho tất cả tội lỗi của chúng ta. Điều Chúa muốn là chúng ta phải biết yêu thương và tha thứ cho lỗi lầm của anh chị em mình. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."
Sau cùng, Chúa muốn chúng ta phải hoàn toàn nương tựa và chạy đến ẩn mình vào Chúa vì thế gian đầy cạm bẫy và quyền lực Xa-tan: “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

Sắc lệnh ban ơn toàn xá Tòa Ân Giải tối cao về Năm Thánh kính các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam 2018

Sắc lệnh ban ơn toàn xá Tòa Ân Giải tối cao về Năm Thánh kính các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam 2018


Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Thứ Tư XI TN-B:

LỜI HẰNG SỐNG MỖI NGÀY
Thứ Tư XI TN-B: 2V 2:1,4,6-14; Mt 6:1-6;16-18

Suy Niệm: Sống trong sự xức dầu của Chúa Thánh Thần
Trong bài đọc I hôm nay, Thiên Chúa đã đưa ngôn sứ Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc. Chúng ta học được gì qua câu chuyện này?
Thứ nhất, vào thời đó làng nào và thành nào cũng có rất nhiều ngôn sứ. Ê-li-a và Ê-li-sa đi đến thành nào cũng có các ngôn sứ ra chào đón. Tại bờ sống Gio-đan, có “năm mươi anh em ngôn sứ cũng đi, đứng ở đằng xa, phía trước hai ông, còn hai ông thì đứng bên bờ sông Gio-đan.” Chúng ta cũng tự hỏi tại sao ngày nay không có nhiều ngôn sứ trong cộng đoàn hay giáo xứ mình? Qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta được xức dầu để làm ngôn sứ?
Thứ hai, Ê-li-sa đến thành nào thì các ngôn sứ đều biết rỏ việc Ê-li-a sắp được Đức Chúa đưa đi. Họ nói cho Ê-li-sa rằng là Đức Chúa sẽ đem sư phụ của Ê-li-sa đi lên cao ngay trên đầu của ông. Ê-li-sa nói với họ là ông cũng biết và xin họ giữ kín chuyện này. Đức Chúa đã mạc Khải cho họ biết. Chúng ta cũng ta là ngôn sứ của Đức Chúa; sao chúng ta không được đầy tràn Thần Khí như họ?
Thứ ba, để được lãnh nhận sự thông truyền Thần Khí từ sư phụ của mình, Ê-li-sa đã quyết không rời Ê-li-a một bước bất cứ ở nơi nào. Ê-li-sa thưa với sư phụ: "Có Đức Chúa hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy!"
Trong sách Dân Số, “ĐỨC CHÚA ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa” (Ds 11:25).
Mỗi người chúng ta cũng là ngôn sứ. Nếu chúng ở trong sự xức dầu của Thần Khí Chúa, chúng ta có thể thông truyền quyền năng của Chúa cho nhau. Hình ảnh Đức Maria đi viếng bà Ê-li-za-bét cho chúng ta thấy rỏ điều này. Lời chào của Mẹ Maria đã làm cho bà Ê-li-za-bét và Gioan Tẩy Giả được đầy tràn Thần Khí.
“Vậy, khi đã đi qua, ông Ê-li-a nói với ông Ê-li-sa: "Anh cứ xin đi: thầy có thể làm gì cho anh trước khi thầy được đem đi, rời xa anh?" Ông Ê-li-sa nói: "Xin cho con được hai phần thần khí của thầy!" Ông Ê-li-a đáp: "Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế ;bằng không, thì không được."
Thứ tư, chúng ta thấy rằng sự xức dầu của Thần Khí Thiên Chúa đến như một luồng gió thổi đến bất ngờ. Chúng ta phải biết bắt lấy giây phút đó để lãnh nhận sự xức dầu của Thiên Chúa. “Ê-li-sa đã được như ước nguyện vì ông đã chứng kiến việc Ê-li-a được đưa về trời: “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc. Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên: "Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Ít-ra-en!" Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông lượm lấy áo choàng của ông Ê-li-a rơi xuống.”
Sau cùng, chúng ta cần học hỏi với nhau để hiểu và cảm nghiệp được việc làm của Thần Khí Thiên Chúa. Ê-li-sa đã thấy sư phụ mình lấy áo đập xuống nước để nước rẽ ra khi đi qua sông Gio-đan. Vì thế ông đã làm theo: “Ông trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan.!Ông lấy áo choàng của ông Ê-li-a đã rơi xuống mà đập xuống nước và nói: " Đức Chúa, Thiên Chúa của ông Ê-li-a ở đâu?" Ông đập xuống nước, nước rẽ ra hai bên, và ông Ê-li-sa đi qua.”
Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
Lm. Phêrô Maria Bùi Công Minh

GIÁO XỨ GIUSE AN BÌNH KÍNH BÁO (V/v kính viếng nhà hiếu trong giáo xứ An Bình) Trong niềm tin và hy vọng vào Đức Giê su Ki tô Phục Sinh. Ban...