Thanh tiêu đê

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018


DẠY VÀ HỌC
lãongu
1.   Núi Thái, nước nguồn
      Chị Huỳnh học hết lớp 12, có bằng tú tài nên những chàng trai quen biết trong xóm không ai dám sớ rớ. Anh Hải, học dưới chị hai lớp, để ý đến chị cũng chẳng dám mở lời, phải nói với mẹ, nhờ cậy người mai mối. Và lạ không? Sang thế kỷ 21 rồi vẫn còn có một cặp vợ chồng, thuộc diện “chồng cha vợ mẹ cưới cho”... Trong mắt chồng, chị Huỳnh đẹp lắm, đến nỗi dù kém chị ba tuổi, chị tuổi sửu, anh tuổi thìn thuộc tứ hành xung, thế mà cưới nhau về, anh mê tít, chẳng mấy khi xa chị được nửa ngày trời. Chị khéo ăn khéo ở nên bên ngoài nhìn vào, ai cũng phải nghĩ rằng bà mẹ chồng và cô con dâu tâm đầu ý hợp. Những ngày mới cưới, để lấy lòng mẹ chồng (cũng là để chinh phục chồng) chị Huỳnh đi thưa về gởi, chăm sóc cha mẹ chồng từng li từng tí, từ nhà trên, nhà dưới, ngoài ngõ, trong sân, từ miếng cơm, hớp nước đến tấm áo manh quần… Đi đến đâu, bà cũng khen (khen thật tình, nhá!) cô con dâu tuy cứng tuổi hơn chồng, nhưng được cái được người được nết.
      Cho đến khi chị cấn thai. Chị đi siêu âm, kết quả là con gái đầu lòng, đang khi hai ông bà hết lòng mong một đứa cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Cả hai ông bà đều không vui. Ông vốn là giáo viên môn Văn, phải an ủi bà, cũng là an ủi chính mình:
      -  Con nào không là con, cháu nào không là cháu? “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” cơ mà! Tạ ơn Chúa thương ban.
      Rồi cũng nguôi ngoai. Mọi sự đều nguôi ngoai, cho đến khi anh Hải dành hết thời giờ rảnh rỗi chăm sóc vợ ốm nghén, thì bà mẹ chồng có cảm tưởng như mình bị con trai bỏ lơ (Có khi nào mẹ chồng “ghen” với con dâu không, nhỉ?). Một đêm trời đã khuya, người ta nghe thấy bà ong óng chửi con trai:
      -   Cha tiên sư bố nhà anh! Anh được đó quên đăng, được vợ quên mẹ, được cái lỗ xỏ bỏ cái lỗ chui. Anh không biết rằng người xưa có câu: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay sao?
      Bà ví von có vần có điệu, nghĩa bóng nghĩa đen đủ cả, và vì đã gần nửa đêm, ông không chịu được, phải lên tiếng:
      -  Bà làm ơn ăn nói nhỏ nhẹ thôi, dễ nghe một chút đi nào, và vặn volume nhỏ xuống để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi. Làm cha mẹ phải từ ái thì con cái mới hiếu đễ được!
      Bà gào lên như “Hà Đông sư tử hống”:
      -  Ối! Giời ôi! Đất ôi! Cha ôi! Mẹ ôi!  Cha nào con nấy, ông giống bố ông như đúc, không đi đâu mất giống. Lại còn từ với ái, hiếu với đễ!
      Ông đành chịu, chùng giọng xuống, nhượng bộ như thể giữ được sự “tương kính như tân” xưa nay, như thể nhường nhịn vợ không khác gì lọt sàng xuống nia, chả mất đi đâu:
      -  Ừ thì thôi vậy. Tôi nói thật nhá! Các cụ ngày xưa, bậc cha mẹ ông bà ta trở lên tôi không dám chạm tới vì là bề trên. Các cụ thì như thế thật. Ngày trước thì đúng vậy. Nhưng thời nay ấy hả? Mở báo ra mà đọc, báo nào cũng được, các cha các mẹ thường ở hai thái cực đối nghịch. Người thì nuông chiều con quá mức, coi con cái là một thứ ông trời con, muốn gì được nấy...   
      Ông nói tiếp vừa nhỏ vừa trầm như một đấng tu mi nam tử sợ vợ chuyên nghiệp:
      - Kẻ thì đối xử với con cái như súc vật: phá thai, giết con mình ngay từ trong trứng nước, lại còn chăn dắt (chăn thôi, không dắt) con mình như chăn súc vật, coi chúng như một thứ công cụ để kiếm tiền: gả bán con gái cho Tàu, Đài, Hàn, dùng con thơ đi ăn xin, bán vé số... Kiếm được tiền thì đánh đủ thứ: đánh bài, đánh bạc, đánh chén, thậm chí cả đánh... đĩ nữa kìa.
      Ông nói thật nhỏ, cứ như sợ bà nghe thấy:
      -  Ngay như trong xứ đạo mình thôi, nạn kỳ thị con trai con gái, con dâu con rể, con nuôi con đẻ, con ghẻ con ruột, con riêng con chung… đầy ối ra đấy. Nói đâu xa, bà hãy nhìn lại chính mình đi. Bà và tôi, có mỗi mống con trai, thương yêu nó hết lòng. Nhưng chúng ta có đủ lương tâm ngay lành, đủ can đảm đối diện với Chúa, với chính mình mà vỗ ngực xưng mình là núi Thái, là nước nguồn đối với con được không?
      -  Ông đúng, đúng lắm. Nhưng nói ra cũng đau lắm…
      -  Sự thật mà. Không đau đâu phải sự thật?!
      -  Tôi hiểu rồi. Nghĩa là đối với phận làm con thì công ơn mẹ cha rõ ràng là nước nguồn, núi Thái. Còn đối với bậc cha mẹ thì phải nhìn lại mình, sống sao cho ra cha ra mẹ… phải không?
2.  Thanh Hoa
      Vợ chồng anh Hải đặt tên con gái là Thanh Hoa. Lúc sinh, con bé cân được hai ki-lô tám, được kể vào dạng khó nuôi. Sinh ra ốm yếu, đau bệnh những ba, bốn năm. Đi học mẫu giáo rồi lên tiểu học vẫn phải uống thuốc bắc từng chén mỗi ngày. Học hành toàn quay cóp thôi, và còn được cô chủ nhiệm gà bài cho nữa. Ấy thế mà do chạy theo thành tích, trường ganh đua với trường, lớp ganh đua với lớp, và cũng do thừa hưởng tí chút gen thông minh của ông nội, nó đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, lại là vô địch về vở sạch chữ đẹp cũng cấp huyện luôn. Gần ngày thi vở sạch chữ đẹp, cô Huê chủ nhiệm lớp từ 1A, 2A... tới 5 A thường đưa cho nó một cuốn tập mới tinh, giữ nó lại ngoài giờ, bảo nó chép lại các bài học từ đầu năm. Con bé nắn nót từng chữ, chăm sóc từng dòng, giữ gìn từng trang. Cuốn tập ấy sẽ được gởi đi thi, và bao giờ cũng được điểm cao.
      Ấy vậy, nhưng anh Hải, chị Huỳnh còn muốn hơn thế, muốn con Thanh Hoa vẹn toàn mọi mặt (người ta còn gọi là con người toàn diện ấy mà). Nó được học ôi thôi đủ thứ. Nào là học bơi và Vovinam ở nhà thiếu nhi huyện; học đàn guitare và organ ở trung tâm Suối Nhạc; học vẽ tại nhà hội họa lừng danh Cây Cọ Vàng; chưa kể học lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, Toán, lại còn môn tiếng Anh nữa chứ... Dĩ nhiên học lớp giáo lý khai tâm để xưng tội rước lễ lần đầu phải là ưu tiên số một. Anh Hải, chị Huỳnh trước khi đi làm, và sau khi tan sở, phải thay nhau chạy vắt chân lên cổ mới chỉ kịp đón đưa con gái đi, về học. Có khi có những bài tập về nhà, con bé phải ngồi sau xe máy, kê cuốn vở lên lưng bố hay mẹ mà làm bài...
      Tháng 11 năm học lớp Năm, con bé Thanh Hoa bị cảnh cáo dưới cờ vì vô lễ với cô hiệu trưởng. Lý do: Gặp cô hiệu trưởng, nó chỉ trố mắt nhìn, không bao giờ chào hỏi. Cô Huê đưa micro cho con bé và một tờ giấy cô vắt óc viết sẵn, nói về sự ân hận cùng quyết tâm trở thành trò ngoan của nó. Nó cầm micro, không nhìn giấy, nghĩ sao nói vậy, rõ ràng, đĩnh đạc từng tiếng:
      -   Em không và sẽ không bao giờ chào cô hiệu trưởng, vì cô hiệu trưởng là học trò của ông nội em nhưng cô chưa bao giờ chào hỏi ông nội em một tiếng.
      Cô Huê không kịp giật micro lại, mặt méo xệch. Các thầy cô khác che miệng, cười khúc khích. Nhiều học sinh gào, rú. Sân trường rộn lên, ồn ào như vỡ chợ...
      Cô Huê và lớp 5 A bị hạ bậc thi đua. Con bé Thanh Hoa bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Anh Hải năn nỉ hết lời, con bé vẫn bị đuổi học.
3.   Bóng tối
      Ông bà nội, vợ chồng anh Hải, lên Phòng Giáo Dục, xin và nhờ xin cho con Thanh Hoa được tiếp tục học. Nghe nói ô dù của cô hiệu trưởng lớn lắm, nhưng người ta cũng sắp xếp để con bé học ở một trường khác gần nhất. Nhưng con bé một mực nghỉ học. Chẳng biết học của ai, ở đâu, nó nói với chị Huỳnh:
     -   Con sợ học lắm rồi. Bắt con đi học con sẽ tự tử cho mẹ coi.
     Người ta thấy chị Huỳnh bưng mặt, khóc hu hu như một đứa trẻ vì buồn tủi.
4.   Đốm lửa
      Thấy con Thanh Hoa nghỉ học giáo lý, sơ Rosa tìm đến tận nhà anh chị Hải Huỳnh. Biết nó nghỉ học cả phổ thông, sơ xót xa:
      - Con bé “ngon” thế mà học hành dở dang thì phí quá. Anh chị đẩy đưa sao đó cho nó đi học, bổ túc cũng được, không cần lên tới giáo sư tiến sĩ gì đâu, cho nó học nghề gì đó mà nó thích, như nấu ăn chẳng hạn. Sau này nó thành công và hạnh phúc với công việc mà nó chọn, thành người truyền cảm hứng cho mấy đứa bạn là tốt rồi...
      Sơ cầm tay con bé:
      - Con thích sau này làm gì nào?
      Nó trả lời, không đắn đo, như đã suy nghĩ chín rồi:
      - Con muốn làm ma sơ, được không?
      Người ta thấy chị Huỳnh lại bưng mặt, khóc hu hu như một đứa trẻ vì vui mừng.
-----------------------    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GIÁO XỨ GIUSE AN BÌNH KÍNH BÁO (V/v kính viếng nhà hiếu trong giáo xứ An Bình) Trong niềm tin và hy vọng vào Đức Giê su Ki tô Phục Sinh. Ban...