Thanh tiêu đê

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

LÁ THƯ NGỎ GỬI THÁNH CẢ GIUSE


LÁ THƯ NGỎ GỬI THÁNH CẢ GIUSE 



Truyện ngắn
Cha đáng kính vô vàn.
Con buông cây bút và ngồi mơ màng thật lâu. Bây giờ con đã hoàn hồn, con lại cầm bút để kính dâng Cha những hình ảnh và những suy tư nối tiếp.
5.Những ngày an vui ngắn ngủi
Cô Maria về làm dâu bên nhà chồng, được mẹ chồng chăm bẵm như bé thơ. Cứ thấy mặt cô dâu, bà lại niềm nở nhắc nhở: “Cố gắng giữ sức khỏe, nghe con”; “Ăn ngon ngủ kỹ để bé mau lớn”; “Con chỉ được quét nhà, lặt rau, còn việc nặng, thì để mẹ làm cho”; “chừng nào thì đẻ ? Nhớ đẻ con trai nha”...
Chàng trai Giuse, từ ngày có vợ, đi làm đầu tắt mặt tối. Hừng đông chưa ló dạng, thì đã ôm đồ mộc ra đi. Đi đâu thì chẳng ai biết. Đi làm miết cho tới chiều tà vẫn chưa thấy về. Về tới nhà, thì gà đã gật gù trong chuồng. Xác thân nằm trên giường, mà lòng thì cứ vấn vương đến một chân trời xa tắp tít nào đó...
Cha rất đáng kính của con. Bốn năm tháng trời: ngày tháng cứ trôi qua như thế. Êm đềm lặng lẽ. Mẹ con thì như vậy: đáng yêu quá chừng ! Ai cũng thấy, ai cũng yêu, nên chẳng ai thắc mắc gì. Còn Cha thì tất bật ở tít mù khơi. Nơi ấy là ở đâu, ai nào có biết. Không ai biết, nhưng con lại biết, biết rõ như ban ngày. Cha là một anh thợ mộc có tay nghề cao vời vợi, có tâm đức sâu thăm thẳm, hiền lành như cục đất, chân thật như chú thiên thần con. Đang đóng tủ cho nhà này, thì nhà kia đã ngong ngóng chờ để nhờ sửa cho bộ bàn ghế. Người này rỉ tai người kia. Tin đồn từ làng này bay sang làng khác. Làm hoài, làm mãi không hết việc. Chủ nhà cho ăn ngon như đãi khách, trả tiền lương xong, lại dấm dúi thêm một tí. Thương quá, cầm lòng không được...
6. Một tin khủng khiếp
Cả nhà đang ngong ngóng chờ ngày em bé ra chào đời. Maria thì úp hai tay lên ngực, tính nhẩm ngày tháng. Cặp mắt thì lim dim, mà linh hồn thì ngây ngất đắm chìm. Mẹ chồng, cha chồng, anh chị em trong gia đình. Chú bác, cô dì trong thân tộc thì đua nhau đoán mò: em bé giống cha hơn giống mẹ; em bé giống mẹ hơn giống cha; em bé là con trai kháu khỉnh; em bé là con gái thật xinh. Còn Giuse thì làm thinh và cười thầm. Sinh hoạt gia đình đang rộn ràng như thế, thì bỗng... đoàng một cái, y như tiếng sét nổ.
Hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trên toàn đế quốc. Theo pháp lệnh, thì ai gốc gác ở đâu, phải về đó mà kê khai gia phả. Giuse đang thường trú ở Nadarét, nhưng nguyên quán thì ở tận Bêlem xa tít mù khơi. Cả gia đình lo quýnh quáng cả lên.
uCô dâu trẻ đang sắp đẻ mà phải đi xa như thế. Đi cực khổ đã đành, còn phải về kịp trước ngày sinh, để có hai bà mẹ cùng chăm sóc. Đi được không? Về kịp không ? Ai biết đâu mà lường?
uĐi đường thì ăn làm sao, ngủ làm sao ? Nếu có gì bất trắc xảy ra, thì ai lo ?
uNếu mọi việc suôn sẻ, thì cũng phải mất đứt một nửa tháng. Ấy là thời gian, còn tiền bạc thì phải chi bao nhiêu cho đủ ?
Cả nhà hướng về cặp vợ chồng trẻ, hỏi: “Chúng mày tính làm sao ?”
Maria úp tay lên ngực, trả lời nhỏ nhẹ: “ Có Chúa lo”. Giuse lặng lẽ nhìn vào không gian. Không trả lời, nhưng vẻ mặt tự tin.
Cha ơi ! Con hồi hộp quá ! Con chẳng biết số phận của Cha và của Mẹ ra sao ? Nhưng chỉ một chốc lát thôi nỗi lo ấy bốc hơi, bay lên không gian, tan theo mây gió. Cứ nhìn vào hai cặp mắt của Mẹ và của Cha là con yên tâm vô cùng. Dường như Mẹ và Cha thấy rõ có một bàn tay xoa nhẹ, có một vòng tay ủ ấp của một ĐấngVô Hình...
7. Cô đơn đến tận cùng
Cô vợ trẻ mang bầu con so dãi dầu bốn ngày trên lưng con lừa: kiệt sức quá rồi ! Nối tiếp là hai tuần lễ ăn chực nằm chờ trong căn lều tuềnh toàng dựng tạm bên lề đường: quá sức bà bầu !
Cô vợ trẻ thỏ thẻ với chồng: “Em chuyển bụng rồi”. Anh chồng chạy đôn chạy đáo: vào nhà trọ mướn phòng, thì chủ nhà lắc đầu, ngoắt tay: “Hết chỗ rồi”. Vào nhà dân ăn mày lòng trắc ẩn, thì ông bà nào cũng thương cảm: “Tội nghiệp !”, nhưng lại từ chối vì sợ mắc uế. Đành quét dọn vội vàng cái hang đá, “nhà trọ” của bò lừa. Quét dọn xong, anh ra ngoài hang, nhóm lửa, nấu một nồi nước, rồi đứng khoanh tay nhìn trời, miệng thì thầm cầu khấn và chờ tiếng khóc oe oe của bé thơ...
Bé thơ ra chào đời như thế đấy: chỉ thấy người mẹ kiệt sức ủ rũ như tàu lá héo; chỉ thấy người cha sẵn sàng đội đá vá trời xanh, nhưng đành khoanh tay đứng nhìn trời, nôn nóng chờ tiếng khóc oe oe. Mặc cảm tự ti đầy mình. Cúi đầu làm thinh. Ôi thân phận đàn ông !
Kính lạy Cha ngàn trùng thương mến !
Con thấy Cha đứng khoanh tay bên nồi nước sôi, ngước mắt nhìn trời ..., con thương cảm Cha quá chừng! Là thân trai, vai u thịt bắp. Cha sẵn sàng dâng hiến hết cả cuộc đời của mình, để đem lại an vui hạnh phúc cho Mẹ con và cho Đấng Cứu Thế. Thế mà thực tế phũ phàng như vậy đó.
Mẹ Đấng Cứu Thế mà phải sinh con như thế này:
- Không mẹ chồng, không mẹ ruột, không dì, không thím, không một bàn tay phụ nữ ân cần chăm sóc.
- Không cô đỡ, không cô mụ vườn, không một người đàn bà vô danh chờ đón bé thơ ra chào đời, để tắm rửa, để quấn tã.
Đấng bé thơ sẽ ngồi trên ngai vua Đavít mà bây giờ phải nằm trong máng cỏ, y như con gà mái đang nằm trong ổ để ấp trứng.
Biệt thự cho mẹ con bà Hoàng Thái Hậu mà chỉ là cái hang đá sực mùi hôi hám của súc vật.
Một sứ mạng lớn lao, một trách nhiệm nặng nề đang đè lên vai của Cha. Cha thấy mình bất lực hoàn toàn. Đau quá ! Nhục quá ! Nhưng biết làm thế nào bây giờ.
Cha chỉ biết quỳ gối tạ tội với Đấng Cứu Thế. Cha chỉ biết liếc nhìn Mẹ con, để xin Người tha thứ. Mẹ con cúi mình ẵm lấy Bé Thơ, âu yếm nhìn Cha. Ánh mắt của Mẹ con như có linh hồn, truyền sang cho Cha một thông tin ngắn gọn “Xin Vâng”. “Xin Vâng” là phó thác cả cuộc đời, trao phó cả lịch sử loài người vào vòng tay an bài của Thiên Chúa Toàn Năng. Không hiểu thì cứ ghi khắc trong lòng mà suy đi nghĩ lại. Không buồn. Không lo. Không sợ.
Ánh mắt xuyên tim của Mẹ con làm cho Cha hoàn hồn. Hết mặc cảm tự ti. Chỉ còn tin và yêu.
8. Lại chan hòa niềm vui
Hai cặp mắt đang say đắm nhìn Bé Thơ, bỗng ngước nhìn lên, ngơ ngác...
Có tiếng hát văng vẳng từ trên cao vọng xuống. Réo rắt. Dìu dặt. Không phải tiếng hát của loài người, mà của một đoàn thiên sứ:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”
uĐôi vợ chồng trẻ đang ngây ngất thả hồn theo tiếng hát dìu dặt của Thiên Sứ, thì... một bầy mục đồng chạy vào, ào ào như gió. Họ quỳ mọp bên máng cỏ, nhìn ngắm Bé Thơ, vừa tôn thờ, vừa âu yếm. Cả chủ lẫn khách ngồi hàn huyên ấm áp trong hang đá vô chủ. Thân thương và kính trọng nhau quá chừng !
Khách ra về để nhường bầu khí yên tĩnh cho Bé Thơ.
Vừa vui vừa tiếc. Họ về chưa được bao lâu, thì bầu khí yên tĩnh lại vỡ tan tành. Quần chúng nườm nượp kéo đến. Niềm vui bùng vỡ. Niềm vui của 10 thế kỷ chờ đợi “Con Vua Đavít”. Niềm vui vì 63 năm nô lệ sắp chấm dứt. Niềm vui vì “Chúa biến nguồn phú túc của chư dân chảy về thành đô tràn lan như thác vỡ bờ”.
Trăm người như một, ngàn người như một, ai ai cũng muốn rờ Bé Thơ một cái để lấy lộc, ai ai cũng muốn rước Đấng Cứu Thế về nhà mình để lấy lộc.
Kính lạy Cha đáng kính vô vàn.
Từ thuở Cha sinh mẹ đẻ cho đến bây giờ, chưa bao giờ Cha được quần chúng trọng vọng đến như thế. Đáng hãnh diện quá chừng ! Thế nhưng... con không thấy Cha dang tay, niềm nở đón chào quần chúng. Cha vẫn cứ buồn buồn, tủi tủi, vì mình chẳng làm được gì cho Đấng Cứu Thế và bà Hoàng Thái Hậu của Người. Vẫn có một cái gì huyền bí lắm mà Cha chưa hiểu được...
9. Một lễ Vượt Qua chan hòa buồn tủi
Cậu bé 12 tuổi theo bố mẹ về thủ đô dự lễ Vượt Qua. Đường xa ngàn trùng. Đi bộ ròng rã bốn ngày. Người ngựa trùng trùng điệp điệp. Mệt mà vui.
Ở thủ đô 8 ngày để dự lễ. Người đông như kiến. Khói hương nghi ngút. Sáng thì lên đền thờ. Tối thì về lều. Lên đền thờ để cầu kinh, để dâng lễ vật, để bỏ tiền vào thùng công đức, để đặt tiền vào bàn tay khô khẳng của những người nghèo thê thảm... Ngày nào cũng như thế, từ ngày này qua ngày khác.
Hết tám ngày lễ, người ngựa lại trùng trùng điệp điệp ra về. Y như nước chảy; y như thác đổ. Cậu bé 12 tuổi bịn rịn với thánh đường, quên cả ra về. Bố mẹ của cậu không hề hay biết, cứ để dòng người cuốn đi, vừa đi vừa hát thánh ca với dòng người, cứ vui phơi phới, với điệu nhạc râm ran.
Khi màn đêm bắt đầu buông, thì rừng lều trập trùng bắt đầu dựng. Gia đình nào cũng có lều riêng. Dựng lều xong, đôi vợ chồng trẻ Giuse và Maria chờ con về để dùng bữa. Chờ mãi mà chả thấy con đâu. Hốt hoảng đi tìm. Tìm mãi, tìm mãi, vẫn chả thấy. Tìm suốt một đêm: tuyệt vọng !
Ngày hôm sau, dòng người lại tiếp tục chảy, chảy về làng quê, chảy về gia đình mình. Vừa đi vừa ngong ngóng chóng về tới nhà để đoàn tụ gia đình. Giuse và Maria đành bỏ đoàn hành hương đang đi ngược về miền Bắc, để lủi thủi đi xuôi về thủ đô. Vừa đi vừa hỏi thăm: hỏi thăm khách hành hương; hỏi thăm dân cư ngụ ở hai bên đường; hỏi thăm về đứa con trai 12 tuổi. Hỏi ở trăm nơi: nơi nào cũng không thấy. Hỏi một trăm người, thì một trăm cái đầu lúc lắc. Một ngày tìm, không thấy con: tim muốn ngừng đập. Hai ngày tìm, không thấy con: hết hồn hết vía ! Ba ngày tìm, thấy con đang ngồi nói chuyện với các kinh sư ngay trong đền thờ. Mừng quá ! Tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Maria ôm lấy ngực, đứng lặng một lúc, chờ cho nhịp tim trở lại bình thường, rồi mới nói nên lời.
- Con ! Sao con để cha mẹ vất vả tìm con như vậy ?
- Mẹ ơi ! Cha ơi ! Cha mẹ vất vả tìm con làm chi vậy ? Thế cha mẹ không biết là con phải lo việc cho cha con ở trên trời sao ?
Cả cha lẫn mẹ của cậu bé 12 tuổi đều ngơ ngác không hiểu cậu con muốn nói gì...
Kính thưa Cha đáng kính của con.
Thấy Cha và Mẹ lo âu đến đứt ruột, để đi tìm Thầy của con, con thương Cha và Mẹ quá chừng ! Thấy Cha và Mẹ không hiểu ý của Thầy con, chỉ biết cúi đầu ngẫm nghĩ, con càng thương Cha và Mẹ nhiều hơn nữa. Thương quá Cha ơi !
Con đường cứu độ của Thầy con đầy những mầu nhiệm khôn lường. Cha và Mẹ là những người đầu tiên đi vào con đường đó. Cứ không hiểu, rồi lại không hiểu. Nhưng cuối cùng thì cả Cha lẫn Mẹ yêu dấu của con đều đồng tâm nhất trí trong một lời “Xin vâng”. “Xin vâng” hóa giải mọi nỗi khổ đau và soi sáng cho thấy mọi mầu nhiệm  của lịch sử cứu độ.
Cha và Mẹ đi trước trên đường “Xin vâng”, thì xin Cha và Mẹ cùng dìu con đi vào con đường ấy. Mong thay !
Tái bút. Người ta hỏi con: “Tại sao vắng con ngoan một ngày mà bố mẹ vẫn tỉnh bơ. Có phải là loại người vô tư, vô tâm, ruột để ngoài da không?”. Con trả lời “KHÔNG” thật to. Lý do:
1. Con mình là con ông trời: khôn ngất trời, ngoan nhất đời, thì không thể đi lạc, không thể đi bụi. Yên tâm !
2. Đứa con này được mọi người yêu quý. Thường xuyên được xóm giềng mời đến chơi, để làm gương cho con mình. Cha mẹ thấy thế thì mừng lắm. Chuyện bình thường.
Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU
 Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GIÁO XỨ GIUSE AN BÌNH KÍNH BÁO (V/v kính viếng nhà hiếu trong giáo xứ An Bình) Trong niềm tin và hy vọng vào Đức Giê su Ki tô Phục Sinh. Ban...