VIẾT VỀ NGƯỜI CHA KÍNH YÊU
LINH MỤC GIUSE PHAN CHÍ MINH
Một câu nói của ngài mà tôi không bao giờ quên: “ bất cứ ai đến với cha cũng được mời tối thiểu một ly nước, và đây là điều cha đã học được từ cha cố của cha: đó là Cha cố Luyến”. Không chỉ bằng lời nói mà đã được thể hiện bằng hành động. Đối với tôi, mỗi lần đến với Ngài thì khỏi nói rồi, Ngài đón tiếp và yêu thương tôi thật nhiều, bởi vì tôi là con linh tông của Ngài, mặc dù tôi không còn sống trong đời dâng hiến. Ngồi quan sát Ngài tiếp những người giáo dân khác không phân biệt giầu nghèo, tôi mới thấy điều này là đúng. Ai đến cũng được mời ngồi và mời nước, không nhiều thì ít cũng được thăm hỏi ân cần và đáp trả nhu cầu đến gặp. Điều này tôi không thấy ở một số đông linh mục, kể cả những lúc giáo dân mang đồ đến biếu, họ cũng không được mời ngồi nói chi đến nước. Giáo dân cũng là con người, họ cũng cần được tiếp đón tối thiểu. Nếu nói về nhận thức, dù chỉ là trình độ học thức sơ đẳng thôi, cũng phải biết điều lịch sự tối thiểu này, huống chi người được mệnh danh là trí thức.
Nói về Ngài tôi hết sức cảm phục và kính mến, một người cha quên mình, hòa đồng với mọi người, quan tâm đến việc chung, đến từng người. Tại sao tôi nói vậy? vì tôi đã nhận Ngài làm bố từ lúc còn là thầy. Cha con thường sống với nhau trong những tháng hè, cũng như thường xuyên tâm sự, trao đổi thắm tình cho tới ngày hôm nay. Chính vì thế mà tôi đã hiểu cặn kẽ về Người, cha thương và lo cho tất cả các con như nhau dù còn tu hay đã ra ngoài đời. Đối với những người còn tu cha hướng dẫn, giúp đỡ về vật chất, ngày chịu chức cha tổ chức lễ mừng, với những người không còn ở đời sống dâng hiến cha khuyên bảo, nâng đỡ, thăm hỏi, ngày lập gia đình cha lo lắng tổ chức lễ cưới. Hàng năm con cái cháu chắt vẫn tụ về bên cha, bên ông ngày 4 tết thật đầm ấm.
Nhớ lại ngày cha chịu chức là thời gian biến động của đất nước 15-04-1975. Ngày mừng tân linh mục cũng là những ngày sắp bước sang một trang sử mới với bao biến động. Con đường vào kinh G rất khó khăn chủ yếu là đường sông giống như sóng gió cuộc đời ngài. Biến cố này cũng là ý Chúa dự báo về tương lai của linh mục sau này. Thật vậy, làm linh mục chưa được bao năm, một biến cố tưởng rằng cha không còn sống trên cõi đời này được nữa khi đang làm cha sở giáo xứ Châu Long. Bọn cướp đã đột nhập vào nhà xứ đâm cha nhiều lỗ trên lưng, bắn thủng bàn tay phải, xuyên mắt cá chân, hầu như nát hết vùng cổ chân. Chúa đã gìn giữ ngài, gởi đến một bác sĩ đạo Công giáo đó là Bác sĩ Vũ Văn Ty. Bác sĩ đã dồn hết công sức trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, lẽ ra phải cưa bàn chân, nhưng kíp mổ đã cố gắng giữ bàn chân bằng mọi cách có thể. Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng, bằng sự quyết tâm và tận tình, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Thật kỳ diệu việc Chúa làm, ngay từ đầu không ai nghĩ ngài có thể trở lại bình thường, nếu có lành cũng phải đi nạng hoặc đi chân cao chân thấp, thế mà khi bình phục cha đi gần như bình thường.
Mặc dù sức khỏe có yếu đi sau biến cố nhưng sức làm việc thì không thay đổi. Chỉ nhìn vào những công trình lớn như xây 3 nhà thờ, kênh G2, kênh F1, và bây giờ là nhà thờ đền thánh Giuse, cùng lúc với những nhà thờ là nhà xứ đi kèm chứng tỏ về ngoại giao và sức làm việc thế nào. Có nhiều linh mục suốt cả đời chưa xây được nhà thờ, có người chỉ xây được một cái là đã quá sức rồi, thế mà Chúa đã hỗ trợ, mọi người sẵn sàng giúp đỡ để cha xây được tới 3 nhà thờ thật là một điều vĩ đại.
Dù làm việc như vậy, nhưng đời sống nội tâm và cầu nguyện không lúc nào ngài sao lãng, luôn quan tâm đến đời sống thiêng liêng của giáo dân, soạn bài giảng, tổ chức cầu nguyện cho các hội đoàn, thăm hỏi giáo dân là những điểm được ưu tiên. Vì vậy, ngài được rất nhiều người quí mến, thăm hỏi và cộng tác. Việc chung thì hết mình, lo cho giáo dân thì tận tụy, nhưng trang bị cho bản thân lại rất đơn sơ. Phòng ngủ đơn giản, ăn uống đơn sơ. Ngài là một con người hoàn toàn tin tưởng, phó thác cho Thiên Chúa và Mẹ Maria. Đôi lúc tôi hỏi Ngài tiền đâu có mà bố xây nhà thờ liên tục vậy, bố trả lời cứ làm đi Chúa lo.
Chúng con luôn bên cha và cầu xin Thiên Chúa ban cho Cha sức khỏe dồi dào để phục vụ và thực hiện hoàn hảo công việc Thiên Chúa đã trao phó.
Thiên Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét